Những điều cần biết về suy tim ứ huyết
Suy tim là tình trạng trong đó tim vẫn đập nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể, thường do sự giảm sức co bóp cơ tim.
Do tim không đủ sức bơm máu, áp lực trong hệ thống tĩnh mạch sẽ gia tăng, gây phù nhiều tổ chức trong cơ thể. Các vị trí phù thường gặp nhất là phổi, gan, xung quanh mắt cá chân...
Đối tượng mắc bệnh
Cơ chế của suy tim là cơ tim bị tổn thương. Có rất nhiều nguyên nhân gây tổn thương cơ tim, đó là nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, tăng huyết áp, thấp tim, tăng áp lực động mạch phổi do bệnh lý ở phổi và bệnh tim bẩm sinh.
Triệu chứng
Suy tim ứ huyết nhìn chung tiến triển chậm. Các triệu chứng thường gặp nhất là khó thở, phù (sưng quanh mắt cá chân), tăng cân. Ban đầu, khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức hoặc nằm đầu thấp nhưng khi suy tim diễn biến nặng hơn, khó thở xuất hiện ngay cả lúc nghỉ và ở mọi tư thế. Rối loạn nhịp tim cũng có thể xuất hiện gây cảm giác đánh trống ngực, đôi khi chóng mặt hoặc thậm chí ngất. Phù phổi cấp là hình thái suy tim tiến triển cấp tính, gây khó thở dữ dội, thường kèm theo tiếng rít và ho khạc ra bọt hồng.
Chẩn đoán
Chẩn đoán suy tim ứ huyết hoặc phù phổi cấp chủ yếu dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng. Có thể nghe được tiếng tim bất thường và ral ở phổi. X quang lồng ngực cho thấy tình trạng phù phổi và bóng tim phì đại. Các xét nghiệm khác để chẩn đoán bao gồm điện tâm đồ và siêu âm tim.
Điều trị
Điều trị bao gồm nghỉ ngơi, dùng các thuốc như lợi tiểu và giãn mạch nhằm giảm bớt gánh nặng cho tim. Ăn nhạt giúp cơ thể hạn chế giữ muối nước.
Điều trị bao gồm nghỉ ngơi, dùng các thuốc như lợi tiểu và giãn mạch nhằm giảm bớt gánh nặng cho tim
Digitalis là thuốc được chọn lựa làm tăng sức co bóp của cơ tim. Nếu huyết áp tăng, cần sử dụng các thuốc hạ áp phù hợp. Nếu nguyên nhân gây suy tim được xác định (chẳng hạn hẹp khít một van tim nào đó), phẫu thuật có thể được chỉ định để giải quyết nguyên nhân. Khi cơ tim bị tổn thương không thể phục hồi hoặc không đáp ứng với trị liệu, giải pháp cuối cùng là ghép tim.
Biến chứng
Nếu tình trạng suy tim cấp không được xử trí, người bệnh sẽ suy hô hấp, thực chất là bị chết đuối trong dịch của cơ thể. Một số rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể gặp nhưng thường khắc phục được. Nhiều khi suy tim trở thành mạn tính và trơ với các phương pháp điều trị.
Phòng tránh
Có những nguyên nhân suy tim ứ huyết không thể tránh được. Các nguyên nhân khác có thể dự phòng bằng việc điều trị sớm tăng huyết áp, điều chỉnh lối sống nhằm làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Phần lớn các trường hợp suy tim ứ huyết đáp ứng tốt, ít nhất trong giai đoạn đầu, với điều trị nội khoa và cần được điều trị tích cực.
Các bài viết về bệnh tim mạch khác
- Tìm hiểu về sa van hai lá (6005 lượt xem)
- Những điều cần biết về hội chứng Marfan (7778 lượt xem)
- Đột quỵ kèm theo cơn thiếu máu não (4408 lượt xem)
- Bệnh tim bẩm sinh có tím (10676 lượt xem)
- Bệnh viêm cơ tim- những điều cần biết (11484 lượt xem)
- Bệnh van hai lá (5909 lượt xem)
- Một số điều cần biết về bệnh rung nhĩ (55697 lượt xem)
- Cách nhận biết triệu chứng của bệnh tim (18419 lượt xem)
- Uống nhiều sữa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch (4323 lượt xem)
- Hạt bí ngô giúp phòng bệnh tim mạch (3726 lượt xem)